1. NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA SUY GIẢM ĐA DẠNG SINH HỌC
Đa dạng sinh học không những cung cấp trực tiếp những phúc lợi cho xã hội như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, năng lượng, mà còn có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong ứng dụng thực tiễn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, y tế, du lịch…nó còn là một cấu thành quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo của cả nước nói chung và của Bắc Ninh nói riêng. Tuy nhiên việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên và quy hoạch phát triển chưa hợp lý đã tác động lớn tới đa dạng sinh học, gây suy thoái đa dạng sinh học trên địa bàn.
Việt Nam được biết đến như là một trung tâm đa dạng sinh học của thê giới, với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú. Trong đó Bắc Ninh cũng đóng góp nhiều hệ sinh thái động, thực vật khá đa dạng. Tuy là một tỉnh có diện tích nhỏ của cả nước song Bắc Ninh cũng có một hệ sinh thái rừng, với tổng diện tích khoảng hơn 660 ha, phân bố chủ yếu ở các huyện Quế Võ, Tiên Du. Tổng trữ lượng gỗ khoảng hơn 3.200m3, bao gồm rừng phòng hộ hơn 360m3, rừng đặc dụng gần 2.920m3. Đặc biệt có nhiều khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên như các hệ thống đầm, ao, hồ, sông ngòi khá dầy đặc có vai trò cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời còn tạo ra các mặt thoáng có tác dụng điều hòa không khí.
Ở Bắc Ninh cũng có các nguồn gen quý là gà Hồ, gà Đông Cảo, gà ri là những giống gà quý của miền Bắc và khu bảo tồn sinh thái vườn cò Đông Xuyên (Yên Phong). Song do tác động của phát triển công nghiệp, quy hoạch đô thị nên những hệ sinh thái tự nhiên này đang dần bị suy giảm. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái quan trọng dần bị thu hẹp. Nhiều vùng nước bị lấp đầy để lấy mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà ở. Số loài và số lượng cá thể của các loại thực, động vật hoang dã có nguy cơ diệt vong, các nguồn gen hoang dã đang trên đà suy thoái nhanh.
Chẳng hạn như giống gà Hồ hiện chỉ còn khoảng 200 con tương đối thuần chủng đang được nuôi ở thôn Lạc Thổ (thị trấn Hồ, Thuận Thành). Còn giống gà Đông Cảo, gà ri hầu như không còn tồn tại. Vườn cò Đông Xuyên cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng săn bắn bừa bãi…
Các xu hướng thay đổi của các hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng di truyền cho thấy nguy cơ về một làn sóng tuyệt chủng của các loài sinh vật. Các giống bản địa bị mất dần do sự du nhập của các giống mới hay các động, thực vật ngoại lai. Những mất mát đó rất nghiêm trọng vì các giống bản địa có tính đa dạng di truyền hơn hẳn các giống ngoại lai, các giống mới năng suất cao, vì vậy có khả năng chống chịu với sâu hại và bệnh tật, đây chính là nguồn nguyên liệu quý để lai tạo và cải tiến các giống.
Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Mặt khác sinh vật và hệ sinh thái là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, công cụ, nhiên liệu… Do vậy khi hệ sinh thái bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực làm cho con người phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo, suy giảm nguồn gen và đặc biệt là biến đổi khí hậu dẫn đến hàng loạt các thảm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống của con người.
Tình hình hiện nay cho thấy việc khôi phục bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn tài nguyên rừng, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài quý hiếm là một việc làm cấp bách.
 Theo Cục bảo tồn ĐDSH
Nguồn: http://www.thuviensinhhoc.com/chuyen-de-sinh-hoc/sinh-thai-hoc/3958-nhung-anh-huong-cua-suy-giam-da-dang-sinh-hoc.html#ixzz2TFlz9RST

 2. TÌNH HÌNH Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM
       Các loại ô nhiễm thường thấy tại các đô thị ở Việt Nam là ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm bụi, ô nhiễm các khí sunfua, cacbonic, nitric, ô nhiễm chì (pb), chất thải rắn (trong bệnh viện, sinh hoạt).
Ở Việt Nam, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước mặt thường rất cao như là các chất rắn lơ lửng, nhu cầu oxy hoá, nitorit, nitorat…. gấp từ 2 – 5 lần, thậm chí tới 10- 20 lần trị số tiêu chuẩn đối với nguồn nước mặt loại B, chỉ số ecoli vượt tiêu chuẩn cho phép hàng trăm lần. Ngoài các chất ô nhiễm hữu cơ trên, môi trường nước mặt đô thị ở một số nơi còn bị ô nhiếm các kim loại nặng và các chất độc hại như chì, thuỷ ngân, Asen, clo,phenol,…
       Ở hầu hết các đô thị ô nhiễm bụi, nhiều nơi ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, các nơi ô nhiễm nhất là khu dân cư gần khu vực các nhà máy xi măng, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất vật liệu, nhà máy than,…. Ở  khu dân cư gần khu công nghiệp, nồng độ sunfua vượt chỉ số cho phép nhiều lần. Ở Việt Nam tỷ lệ thu gom chất thải rắn còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra, tại nhiều nơi tỷ lệ thu gom chất thải rắn khoảng 20% – 40%. Biện pháp thu gom chất thải rắn hiện nay là chôn lấp (hiện nay chưa có bãi chôn lấp nào đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vệ sinh môi trường).
      Theo thống kê, Việt Nam đã có trên 800 cơ sở sản xuất công nghiệp với khoảng 70 khu chế xuất (khu công nghiệp tập trung). Đóng góp của công nghiệp vào GDP là rất lớn. Tuy nhiên chúng ta lại phải chịu nhiều thiệt hại về môi trường do lĩnh vực công nghiệp gây ra. Hiện nay khoảng 90% cơ sở sản xuất công nghiệp và phần lớn các khu công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, nặng nhất là công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản.
Hiện trạng môi trường nông thôn.
       Ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp cũng rất nghiêm trọng. Gần 75% số dân nước ta sinh sống ở nông thôn, là nơi cơ sở hạ tầng lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý, thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về hữu cơ và sinh vật không ngừng tăng cao. Nhiều nơi do nuôi trồng thuỷ sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật đã gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Lượng nước thải của các xí nghiệp chế biển thuỷ hải sản đông lạnh cũng rất lớn, vượt ngưỡng cho phép khoảng vài chục đến hàng trăm lần. Môi trường nước ở nông thôn cũng đang bị ô nhiễm do dùng không đúng cách và không hợp lý các hoá chất nông nghiệp ( thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,….) thiếu các phương tiện vệ sinh cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt nên số hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng 30% – 40%, và chỉ có khoảng 20% - 305 số hộ sử dụng công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Thảo Hiên
Nguồn: http://www.thuviensinhhoc.com/chuyen-de-sinh-hoc/sinh-thai-hoc/3955-tinh-hinh-o-nhiem-moi-truong-o-viet-nam.html#ixzz2TFmFUS8R
       Ô nhiễm môi trường là khái niệm để chỉ sự xuất hiện của một chất lạ trong môi trường tự nhiên hoặc làm biến đổi thành phần, tỷ lệ về hàm lượng của các yếu tố có sẵn, gây độc hại cho cơ thể sinh vật và con người nếu  như  hàm  lượng  của  các  chất  đó  vượt  khỏi  giới  hạn  thích  nghi  tiềm tàng của cơ thể.
      Sự  ô  nhiễm  môi  trường  có  thể  là  hậu  quả  của  các  hoạt  động  tự nhiên, như hoạt động núi lửa, thiên tai lũ lụt, bão,… hoặc các hoạt động do con người thực hiện trong công nghiệp, giao thông, chiến tranh và công nghệ  quốc  phòng,  trong  sinh  hoạt,  trong  đó  công  nghiệp  được  xem  là nguyên nhân lớn nhất.
Chất gây ô nhiễm môi trường rất đa dạng về nguồn gốc và chủng loại, tuy vậy chúng được phân chia thành 3 nhóm lớn: chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí. Mỗi dạng có thể chứa đựng nhiều chất, từ các hóa chất, các kim loại nặng, đến chất phóng xạ và vi trùng. Nhiệt cũng là tác nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên sự ô nhiễm môi trường.
      Ô nhiễm môi trường đang trở thành hiểm họa đối với đời sống của sinh giới và cả đối với con người ở bất kỳ phạm vi nào, từ quốc gia, khu vực  đến  toàn  cầu.  Ô  nhiễm môi  trường  là  sản  phẩm của  quá  trình  công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra trên 200 năm nay. Ô nhiễm hiện nay đã lan tràn vào mọi nơi, từ đất, nước đến khí quyển, từ bề mặt đất đến các lớp sâu của đất và của đại dương.
      Việt Nam chúng ta đang trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, hơn nữa sự đô thị hóa cũng như giao thông vận tải chưa phát triển vì thế sự ô nhiễm môi trường nói chung chưa xãy ra trên diện rộng, nhưng   ô nhiễm môi trường đã xãy ra cục bộ, từng lúc, từng nơi. Có thể nêu ra như sau:
1. Ô nhiễm môi trường nước.
Hiện nay tình trạng ô nhiễm và suy thoái nguồn nước (nước mặt và nước ngầm) đang xãy ra phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các khu đô thị và các thành phố công nghiệp. Chẳng hạn như nước ngầm đang được khai thác ở một số nhà máy nước thành phố Hà Nội cũng đã bị ô nhiễm như Pháp Vân, Mai Động hoặc như ở thành phố Hồ Chí Minh nước ngầm bắt đầu bị nhiễm mặn và suy giảm khả năng khai thác.
2. Ô nhiễm không khí.
      Mặc dù đất nước chúng ta nền công nghiệp chưa phát triển nhưng ô nhiễm không khí đã xãy ra. Ở Hà Nội, tại khu vực nhà máy dệt 8 – 3, nhà  máy  cơ  khí  Mai  Động.  Khu  công  nghiệp  Thượng  Đình,  khu  công nghiệp Văn Điển, nhà máy Rượu…không khí đều đã bị ô nhiễm nặng. Ở Hải Phòng , ô nhiễm nặng ở khu nhà máy Xi mămg, nhà máy Thủy Tinh và Sắt tráng men…Ở Việt Trì, ô nhiễm nặng xung quanh nhà máy Supe phốtphát Lâm Thao, nhà máy Giấy, nhà máy Dệt. Ở Ninh Bình và Phả Lại ô nhiễm nặng do nhà máy Nhiệt điện, các nhà máy vật liệu xây dựng, lò vôi. Ở  thành phố Hồ Chí Minh và cụm công nghiệp Biên Hòa không khí cũng bị ô nhiễm bởi nhiều nhà máy. Hầu như tất cả các nhà máy hóa chất đều gây ô nhiễm không khí. Dân cư sống ở các vùng nói trên thường mắc các bệnh đường hô hấp, da và mắt
3. Ô nhiễm đất.
      Hiện nay chưa thấy có tài liệu nào đề cập đến môi trường đất bị ô nhiễm bởi các tác nhân công nghiệp, nông ngiệp nhưng đất đã bị ô nhiễm bởi tác nhân sinh học. Đó là do tập quán dùng phân bắc và phân chuồng tươi theo các hình thức (bón lót, pha loãng để tưới,…) trong canh tác vẫn còn  phổ  biến.  Tại  vùng  trồng  rau  Mai  Dịch,  Từ  Liêm,  Hà  Nội  mật  độ trứng giun đũa là 27,4 trứng/100g đất, trứng giun tóc 3,2 trứng/100g đất (Trần  Khắc  Thi,  1966).  Theo  điều  tra  của  Viện  Thổ  nhưỡng  Nông  hóa (1993 – 1994) tại một số vùng trồng rau, người dân chủ yếu sử dụng phân bắc tươi với liều lượng khoảng từ 7 – 12 tấn/ha. Do vậy trong 1 lít nước mương  máng  của  khu  trồng  rau  có  tới  360  E.  coli  ;  ở  giếng  nước  công cộng là 20, còn trong đất lên tới 2 x 105/100g đất. Chính vì thế, khi điều tra sức khỏe người trồng rau thường xuyên sử dụng phân bắc tươi có tới 60% số người tiếp xúc với phân bắc từ 5 – 20 năm bị bệnh thiếu máu và các bệnh ngoài da.
Hương Thảo
Nguồn: http://www.thuviensinhhoc.com/chuyen-de-sinh-hoc/sinh-thai-hoc/2327-o-nhiem-moi-truong-o-viet-nam.html#ixzz2TFmN7lfl

3. MÔI TRƯỜNG LÀ GÌ ?
       Mỗi sinh vật đều sống trong môi trường đặc trưng của mình, ngoài đó ra, sinh vật không thể tồn tại được. Ví dụ, cá sống trong nước, các con nhông cát sống trên các bãi cát khô hạn, giun đất sống trong các lớp đất ẩm, giàu mùn ....
      Trên bề mặt Trái Đất có thể phân chia tổng quát thành 2 nhóm chính: môi trường vô sinh hay không sống (abiotic) và môi trường hữu sinh hay môi trường sinh vật (biotic). Môi trường vô sinh lại được chia thành: môi trường đất, nước và không khí. 
     Trong quá trình tiến hóa, sinh vật thường tập trung ở những nôi thuận lợi nhất cho đời sống. Đó là môi trường nước, rồi từ đó sinh vật chiếm lĩnh đất liền, hình thành nên 2 nhóm sinh vật chủ yếu: sinh vật dưới nước (aquatic organisms) và sinh vật trên cạn (terrestrial organisms).
       Trong môi trường bất kì, sinh vật phải tìm được các điều kiện thuận lợi cho sự cư trú, kiếm ăn, làm tổ, sinh sản, nuôi con, đồng thời chống lại vật ăn thịt và dịch bệnh.
      Vậy, môi trường là một phần không gian bao quanh sinh vật, ở đó sinh vật có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các yếu tố cấu tạo nên môi trường bằng những phản ứng thích nghi về hình thái cấu tạo, các đặc điểm sinh lí, sinh thái và tập tính.
       Môi trường của sinh vật thường không ổn định, liên quan với các giai đoạn phát triển của vỏ Trái Đất và sự biến đổi của khí hậu. Ví dụ, sự hình thành lục địa và đại dương, siêu lục địa tan rã và sự trôi dạt của các mảng lục địa .... Những sinh vật được hình thành và phát triển trong điều kiện như thế đã trải qua bao biến cố lớn lao và thích nghi để  tồn tại cho tới ngày nay. Vỏ Trái Đất chỉ mới bước vào trạng thái tương đối yên tĩnh sau tuổi    Bằng hà lần cuối. Đến nay, những biến động mang tính cục bộ không phải đã chấm dứt như hoạt động của đai núi lửa, động đất, sóng thần ... và cả những thay đổi mang tính toàn cầu do hoạt động của con người như lớp ôzôn bị phá vỡ, khí hậu Trái Đất đang ấm dần lên, mực nước đại dương ngày một dâng cao, đe dọa không chỉ đời sống sinh giới mà cả đối với đời sống con người.
Theo CĐ BD HSG
Nguồn: http://www.thuviensinhhoc.com/chuyen-de-sinh-hoc/sinh-thai-hoc/6757-moi-truong-la-gi-.html#ixzz2TFmcUfs5

4. QUY LUẬT TÁC ĐỘNG CỦA CÁC NHÂN TỐ MÔI TRƯỜNG LÊN ĐỜI SỐNG SINH VẬT
      Để đánh gia tác động của các nhân tố môi trường lên cơ thể hay ở cấp dộ chức cao hơn (quân thể, quần xã), người ta luôn quan tâm đến các vấn đề dưới đây:
- Bản chất của từng nhân tố. Mỗi một nhân tố gây tác động khác nhau lên các đặc tính sinh lí - sinh thái và tập tính của loài mà nổi bật nhất là quá trình trao đổi chất.
- Cường độ và liều lượng tác động của các nhân tố lên sinh vật mạnh hay yếu, nhiều hay ít, sinh vật sẽ phản ứng lại một cách tương ứng.
- Phương thức tác động: Tác động có thể liên tục hay gián đoạn, có thể ổn định hay dao động; dao động có thể theo chu kỳ hoặc không theo chu kỳ. Những phương thức này gây ảnh hưởng khác nhau lên đời sống.
- Thời gian tác động: có thể dài, ngắn khác nhau. Tính chống chịu của sinh vật với thời gian tác động thể hiện rất phức tạp. Trong điều kiện rét đậm kéo dài, nhiều cây tròng, vật nuoi bị suy kiệt và chết. Trong giới hạn chịu đựng, thời gian còn tạo cho sinh vật làm quen với những hoàn cảnh nằm ngoài khoảng cực thuận.
Sự biến đổi nhanh của khí hậu khi Trái Đất ấm lên, nhiều loài, nhất là các loài có kích thước lớn, biến dị, di truyền kém không kịp thích ứng sẽ lâm vào tình trạng dễ bị diệt vong.
- Các nhân tố tác động đến đời sống bao giờ cũng là một tổ hợp, tác động đồng thời. Nói cách khác, sinh vật cùng một loài phải phản ứng tức thời với tác động của tất cả các nhân tố.

Nguồn: http://www.thuviensinhhoc.com/chuyen-de-sinh-hoc/sinh-thai-hoc/6845-quy-luat-tac-dong-cua-cac-nhan-to-moi-truong-len-doi-song-sinh-vat.html#ixzz2TFn7SX38

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

- Copyright © [E-LEARNING] SINH HỌC 12 - Lưu Thị Lâm Hồng - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -